Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
(VLU, 01/6/2023) - Trường Đại học Văn Lang vừa công bố tuyển sinh ngành Kỹ thuật Hàng không (mã ngành: 7520120), đánh dấu bước chuyển mới trong mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành kỹ thuật – công nghệ, hướng đến tầm nhìn dài hạn của ngành Kỹ thuật Hàng không không gian trên thế giới và tiềm năng hội nhập của Việt Nam. Nhân cột mốc ý nghĩa này, website Trường Đại học Văn Lang thực hiện phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia đầu ngành Kỹ thuật Hàng không của Việt Nam, người khởi xướng xây dựng ngành Kỹ thuật Hàng không tại Văn Lang.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống đạt học bổng Colombo Plan của chính phủ Úc để du học ở nước này năm 1965, tốt nghiệp kỹ sư ngành Kỹ thuật Hàng không hạng First Class Honours năm 1970 ở Đại học Sydney và được học bổng học thẳng Tiến sĩ. Ông hồi hương giữa năm 1974 ngay sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ.
Ông giảng dạy tại trường Đại học Kỹ thuật (tiền thân của trường Đại học Bách khoa TpHCM) từ tháng 9 năm 1974 đến khi về hưu vào tháng 4 năm 2008. Ông là Chủ nhiệm sáng lập Bộ môn Kỹ thuật Hàng không ở trường Đại học Bách khoa TP.HCM năm 1996.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống được học bổng Fulbright du học Hoa Kỳ ở Đại học Harvard năm 1992, tốt nghiệp Thạc sĩ Hành chính công năm 1994.
Từ sinh viên đam mê kỹ thuật đến hành trình đặt nền móng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam
PV: Thưa PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, từ những năm 60 của thế kỷ trước, thầy đã lên đường du học ngành Kỹ thuật Hàng không tại Úc, đặt nền móng cho việc phát triển ngành này tại Việt Nam cho đến hôm nay. Cơ duyên đưa Thầy đến với bước ngoặt định mệnh này là như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống: Thật ra tôi chọn học ngành Kỹ thuật Hàng không vì thích hiểu biết về khoa học kỹ thuật của máy bay, chứ lúc đó ở tuổi 18 tôi chưa suy nghĩ gì về việc mình sẽ làm trong tương lai, chỉ mong muốn học hỏi về khoa học kỹ thuật để sau này đóng góp cho việc phát triển đất nước. Cơ duyên này xảy ra có lẽ do ý trời và do lòng mình. Mình muốn học và trời giúp việc đó.
Ngành Kỹ thuật Hàng không ra đời tại Việt Nam như thế nào thưa Thầy? Thầy có thể điểm lại một số dấu mốc quan trọng với ngành học đặc biệt này không ạ?
Thật ra tôi học ngành Kỹ thuật hàng không và về nước với mục đích tham gia công tác giảng dạy. Tôi đã dạy bộ môn Thiết kế Cơ khí ở Trường Đại học Kỹ thuật (tiền thân của Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM hiện nay) từ học kỳ 1 năm học 1974-75 và đến học kỳ 2, tôi đề nghị mở môn tự chọn Khí động lực học cho sinh viên Kỹ sư Công nghệ lúc đó. Đến năm 1978, tôi xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không theo yêu cầu của GS.TS. Trần Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa lúc đó và đề nghị mở tăng dần những môn tự chọn về Kỹ thuật Hàng không cho sinh viên Cơ khí, nhưng rất tiếc là đại học nước ta khi đó theo hệ niên chế nên không thực hiện được.
Cuối năm 1995, Hội đồng Khoa học Trường Đại học Bách Khoa giao tôi lập Đề án mở ngành Kỹ thuật Hàng không và đến tháng 4 năm 1996 thì Bộ môn Kỹ thuật Hàng không được thành lập mà chỉ có tôi là nhân sự duy nhất. Được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu, khóa đầu tiên được mở với chỉ tiêu 30 sinh viên vào năm học 1996-1997.
Cũng trong năm 1996, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đồng thời mở ngành Kỹ thuật Hàng không. Đến năm 1999, ngoài chương trình bằng tiếng Việt, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM mở thêm chương trình Pháp - Việt với chương trình học 5 năm. Từ đó đến nay, sau gần 30 năm đào tạo, ngành học này đã đóng góp rất đáng kể cho ngành hàng không nước nhà.
Gần 30 năm phát triển ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam, Thầy nhận định tiềm năng, cơ hội và những đặc trưng của ngành trong bối cảnh của lĩnh vực hàng không tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Cho đến nay, cả nước đã có khoảng 3.000 kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không. Đây là lực lượng chủ lực trong ngành hàng không dân dụng, tham gia bảo dưỡng và điều hành các hoạt động kỹ thuật ở các sân bay Việt Nam cho các hãng Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo và các hãng Cathay Pacific, Japan Airlines, Air France... Kết quả của 10 khóa đầu tiên mà tôi làm Chủ nhiệm bộ môn là rất tốt, trong đó khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp được tôi giới thiệu du học Thạc sĩ và Tiến sĩ với học bổng ở Pháp, Singapore, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc, Indonesia. Có vài khóa đến nay trên 50% có bằng Tiến sĩ.
Với những kết quả đó, tôi rất tin tưởng vào những gì đã gây dựng: chương trình đào tạo rất tốt, đội ngũ giảng dạy rất tốt và huấn luyện sinh viên chăm học, chăm đọc tài liệu bằng tiếng Anh, chất lượng sinh viên rất cao, khi đi du học, nhiều sinh viên đã có thể đứng nhất nhì trong các lớp Thạc sĩ và Tiến sĩ ở nước ngoài. Do đó tôi thấy đóng góp của những Thạc sĩ và Tiến sĩ này trong khoa học là rất đáng kể, nhiều người trở về nước làm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, một số tiếp tục nghiên cứu và tham gia giảng dạy ở các đại học nước ngoài. Đó là sức mạnh nhân lực có thể huy động tham gia đóng góp rất nhiều cho việc đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không ở Trường Đại học Văn Lang.
Sứ mệnh tìm kiếm sinh viên tài năng theo “đạo hàng không” và mối duyên Văn Lang
Thưa Thầy, với ngành Kỹ thuật Hàng không vừa được công bố tuyển sinh tại Trường Đại học Văn Lang (VLU), điểm đặc trưng nổi bật sẽ là gì so với các chương trình ngành này từ trước đến nay ạ?
Chương trình Kỹ thuật Hàng không tại VLU có khối lượng học tập và giảng dạy về Kỹ thuật Hàng không tính theo số tín chỉ cao hơn so với chương trình ở các trường khác, và đây là điểm nổi bật của VLU.
Đặc biệt, một chương trình lại có 2 bậc học là cử nhân và kỹ sư. Lấy chương trình kỹ sư 171 tín chỉ để so sánh với chương trình kỹ sư quốc tế thì khối lượng giảng dạy về chuyên ngành kỹ thuật hàng không tại Văn Lang tương đương với các đại học quốc tế như Đại học Michigan ở Mỹ và Đại học Sydney ở Úc mà chúng tôi đã so sánh, ở Việt Nam hiện không có chương trình nào có khối lượng chuyên ngành kỹ thuật hàng không bằng như vậy. Với bậc cử nhân, chương trình được xây dựng 148 tín chỉ thì khối lượng học tập và giảng dạy về chuyên ngành kỹ thuật hàng không vẫn cao hơn các chương trình tương đương trong nước. Vì vậy, tôi thấy đây là lợi thế tốt hơn về chương trình. Ngoài ra, với tính chất chương trình liên thông, sinh viên nếu học tốt những môn bắt buộc của chương trình cử nhân thì có thể được khuyến khích học liên thông lên chương trình kỹ sư 171 tín chỉ.
Chương trình kỹ sư hàng không tại VLU có thể nói là chương trình chất lượng cao, nhắm vào nghiên cứu khoa học, sáng tạo, thiết kế máy bay, với mục tiêu của chúng tôi là làm sao để trình độ tương đương quốc tế. Còn chương trình cử nhân có 2 hướng, hoặc ứng dụng khoa học kỹ thuật hàng không hoặc quản lý bảo dưỡng hàng không, trong đó số lượng tín chỉ các học phần về quản lý bảo dưỡng hàng không trong chương trình của VLU là 18 tín chỉ tự chọn, có thể nói là rất nhiều.
Ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang chia sẻ về mục tiêu đưa ngành Kỹ thuật Hàng không thành một trong những ngành mũi nhọn của lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ của Văn Lang trong tương lai. Xin Thầy chia sẻ thêm để đạt mục tiêu phát triển ngành Kỹ thuật Hàng không tại Văn Lang, nhà trường sẽ cần đầu tư như thế nào và lộ trình ra sao ạ?
Tôi cảm nhận đây là một cao vọng, một ý tưởng rất hay của ban lãnh đạo VLU, chứ không phải mở ngành chỉ để tuyển sinh. Vì đây là một ngành rất khó, phải tuyển được những sinh viên có đam mê về kỹ thuật hàng không, có năng lực về khoa học và mong muốn học đến nơi đến chốn. Thế nên tôi cùng với các đồng nghiệp trong nhóm xây dựng chương trình đã đặt mục tiêu là chương trình phải rất tốt, vừa phải có nền tảng khoa học kỹ thuật rộng, vừa phải chuyên sâu về kỹ thuật hàng không. Ban lãnh đạo nhà trường cũng ủng hộ hướng đi này, không đặt ra hạn chế về số tín chỉ. Chương trình kỹ sư có 171 tín chỉ thì trong đó có 21 tín chỉ là tiếng Anh, giúp chất lượng ngoại ngữ của sinh viên được cải thiện hơn, chúng tôi yêu cầu sinh viên hàng không phải đọc tài liệu tiếng Anh, thực tế cũng không có nhiều tài liệu tiếng Việt. 150 tín chỉ còn lại liên quan nhiều đến khoa học kỹ thuật cơ bản và chuyên ngành kỹ thuật hàng không, làm sao để chất lượng đầu ra sinh viên rất cao, đó là điều Văn Lang đang muốn hướng đến.
Để khuyến khích sinh viên giỏi, Đại học Văn Lang có chủ trương cấp học bổng cho sinh viên nhập học khóa đầu, làm sao cho một nửa sinh viên nhập học có học bổng. Tôi nghĩ chủ trương về học bổng sẽ sớm được công bố cho thí sinh, phụ huynh có thêm thông tin để lựa chọn.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Văn Lang cũng đã đặt mua tài liệu, giáo trình tiếng Anh và sẵn sàng đầu tư phòng thí nghiệm để sau khi học hết năm 1 và năm 2, sinh viên có môi trường thực tập tốt. Trong chương trình, tôi đã đề xuất những môn học kỹ thuật hàng không có số lượng 3 tín chỉ nhưng mà thời lượng là 60 tiết với 30 tiết là lý thuyết, 30 tiết thực hành bài tập. Sinh viên đại học mà thiếu phần bài tập thực hành thường xuyên thì chất lượng không cao. Việc làm bài tập sau khi học lý thuyết với thời lượng cao như vậy khiến người thầy phải có trách nhiệm ra bài tập, chấm bài tập và sinh viên thực hành thường xuyên thì hiểu nội dung, ứng dụng được nội dung các môn học để có chất lượng cao.
Chân dung những người học ngành Kỹ thuật Hàng không có gì đặc trưng không thưa Thầy? Tên ngành và lĩnh vực làm việc đặc biệt khiến nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vậy những ai nên học ngành này thưa Thầy?
Sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không cần phải là đam mê muốn hiểu biết về khoa học kỹ thuật hàng không, về máy bay. Nhiều sinh viên khi mới bắt đầu chưa chắc đã giỏi nhưng sự đam mê và thích thú trong nghiên cứu học hỏi sẽ làm họ trở nên giỏi hơn. Giống như huấn luyện thể dục thể thao, một người yếu lúc đầu nhưng đam mê, huấn luyện nhiều thì trở thành khỏe mạnh vô cùng. Bản thân tôi cũng là một huấn luyện viên võ Aikido ở Ký túc xá Bách khoa, nhiều học viên mới vào còn ốm yếu lắm, nhưng thích học Aikido thì 2 năm thôi là khỏe mạnh và thông thạo đòn thế để lên đai đen. Tôi cũng thấy tương tự như thế đối với ngành Kỹ thuật Hàng không, với tập thể sinh viên đam mê và nỗ lực chăm chỉ luyện tập học hành theo chương trình đào tạo 4 năm - 4,5 năm, với định hướng giảng dạy nhiều bài tập thực hành, với tài liệu tham khảo hiện đại bằng tiếng Anh, với những chủ trương đầu tư của nhà trường cho phòng thí nghiệm, tôi nghĩ rằng Đại học Văn Lang sẽ đào tạo được một lực lượng khoa học kỹ thuật hàng không chất lượng cao.
Thực sự học gì cũng cần phải đam mê nhưng đối với học sinh THPT, sự đam mê khi chọn ngành ở thời điểm hết cấp 3 có thể không chắc chắn lắm đâu. Tôi muốn vận động sinh viên học ngành Kỹ thuật Hàng không để sinh viên thấy ngành này có những điều hay ho, đáng để đam mê.
Theo thông tin từ đề án, lối đi cho người học ngành Kỹ thuật Hàng không tại Văn Lang không bó hẹp chỉ trong lĩnh vực hàng không. Thầy có thể giải thích rõ vì sao như vậy ạ?
Nhiều người nghe đến kỹ thuật hàng không thì nghĩ đến sửa chữa máy bay tương tự như kỹ thuật ô tô thì sửa chữa ô tô. Thực ra không phải vậy. Đây là ngành học rất nặng về tính khoa học, trong đó về vận hành bảo dưỡng máy bay chỉ là một phần nhỏ, còn về khoa học hàng không thì rộng hơn nhiều.
Ngành Kỹ thuật Hàng không có những môn khoa học kỹ thuật nền tảng như khí động lực học, vật liệu và kết cấu hàng không, cơ học bay và điều khiển bay, động cơ và lực đẩy máy bay, thiết kế máy bay… Hiểu biết khí động học có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến cơ học chất khí chất lỏng như: bơm, quạt, máy nén, tua bin... Hiểu biết về vật liệu và kết cấu hàng không có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến sức bền vật liệu, kết cấu cơ khí hay xây dựng, kết cấu hàng không hàng hải… Hiểu biết về cơ học bay và điều khiển có thể ứng dụng cho tàu thuyền tốc độ cao như tàu cánh ngầm, tàu đệm khí, tàu thủy bay... Hiểu biết về động cơ chong chóng và động cơ tua bin khí có thể ứng dụng trong tàu thủy, trong nhà máy nhiệt điện tua bin khí…
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo kỹ thuật hàng không theo tiêu chuẩn ABET cần phải đào tạo cho sinh viên có năng lực về thiết kế sáng tạo, giúp cho sinh viên phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề thiết kế theo nhu cầu và sáng tạo sản phẩm mới hay cải tiến kỹ thuật. Với hiểu biết về thiết kế hàng không, tích hợp với khí động lực học, kết cấu hàng không và điều khiển máy bay, thì kiến thức trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không có thể thừa để làm ở một số ngành liên quan. Đặc biệt, cựu sinh viên hàng không cũng làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dầu khí với trình độ chuyên môn cao. Mặc dù đây là một công việc có vẻ trái ngành nhưng tính ứng dụng của các lý thuyết kỹ thuật hàng không đối với lĩnh vực này có giá trị nên được các công ty dầu khí đánh giá rất cao.
Trong thế kỷ trước, hai phát minh lớn nhất là máy bay và máy tính. Bây giờ, ngành hàng không ngoài việc phát triển máy bay lớn điều khiển bằng buồng lái điện tử còn phát triển các máy bay nhỏ, máy bay không người lái, tích hợp kiến thức về hàng không và công nghệ thông tin. Tại Văn Lang, khi xây dựng chương trình đào tạo, chúng tôi cũng dự trù những môn lựa chọn về UAV (máy bay không người lái), trong bối cảnh ở Việt Nam có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo và sử dụng máy bay không người lái. Tôi cũng từng gặp nhiều cựu sinh viên hàng không cho biết rằng họ đã được nhiều đơn vị nước ngoài đầu tư mạo hiểm để startup những doanh nghiệp máy bay không người lái. Đây cũng là những mối quan hệ mà Trường Đại học Văn Lang có thể tận dụng để kết nối doanh nghiệp UAV.
Trong 30 năm vừa qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành hàng không và chân dung nghề nghiệp đã tạo ra một hình ảnh ngành hàng không không hẹp như người ta tưởng. Tôi từng chia sẻ, theo ngành kỹ thuật hàng không là theo “đạo hàng không”, thì bất cứ “chùa” nào, “chùa hàng không” ở Trường Đại học Bách Khoa hay “chùa hàng không” ở Trường Đại học Văn Lang đều là nơi truyền đạo và hành đạo hàng không cả. Sinh viên của ngành hàng không đều có tinh thần đồng môn, đồng đạo để hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau học hành, nghiên cứu phát triển cho ngành kỹ thuật hàng không Việt Nam.
Với chủ trương của lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, với chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không chất lượng và đặc biệt là do chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế của các trường đào tạo ngành hàng không hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, tôi kỳ vọng chương trình Kỹ thuật Hàng không tại Văn Lang có kết quả tuyển sinh và đào tạo chất lượng cao, để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kỹ thuật của trường và đóng góp rất đáng kể cho ngành hàng không Việt Nam.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật Hàng không
TS. Vũ Quốc Huy: Tiềm năng rất lớn cho sinh viên học ngành Kỹ thuật Hàng không của Trường Đại học Văn Lang